Lựa chọn sofa hợp phòng khách gia đình

Không chỉ có công năng là không gian để tiếp đón khách hay thư giãn, sofa còn là “bộ mặt” của phòng khách, nói lên phong cách của gia chủ...

sofa.jpg

Khách hàng lựa chọn sofa ở một cửa hàng tại phố Ngô Gia Tự (quận Long Biên). Ảnh: Hà Thư

Chọn kích cỡ phù hợp không gian

Chị Đỗ Thị Nụ, chủ cửa hàng kinh doanh nội thất trên phố Ngô Gia Tự (quận Long Biên) cho biết, để chọn bộ sofa gia đình phù hợp, trước hết, gia chủ cần nắm rõ diện tích phòng khách cũng như không gian để đặt bộ sofa.

Để làm điều này, nên đo đạc thật cẩn thận, để bảo đảm kích cỡ sofa vừa vặn và ăn nhập với không gian nhà mình. Có 3 thông số cần quan tâm là chiều dài, chiều sâu và chiều cao. Trong đó, cần chú ý đến chiều sâu của sofa nếu căn phòng của bạn có diện tích hạn chế bởi chiều sâu của ghế thường được giữ nguyên dù bạn đã thay đổi từ sofa cỡ lớn sang sofa cỡ nhỏ.

Việc quan trọng không kém là cần xác định bộ sofa có thể vận chuyển qua cửa nhà, thang máy hay cầu thang hay không. Nên chọn loại có thể tháo rời để vận chuyển dễ dàng.

Bên cạnh đó, khi lựa chọn sofa, gia đình cần lưu ý tới các cấu phần cơ bản khác như: Chất lượng của vải bọc, đệm và khung. Đối với vải bọc ghế, ngoài yếu tố màu sắc, họa tiết phù hợp sở thích của gia chủ thì chất liệu vải bọc bộ sofa là yếu tố quan trọng trong tổng thể phòng khách. Ngoài chất liệu tự nhiên còn có các chất liệu vải tổng hợp, vải nỉ. Thông thường, chất liệu vải tự nhiên thường dễ nhàu nát, phai màu hơn trong khi chất liệu vải bọc tổng hợp, vải nỉ sẽ bền đẹp, dễ giặt và nhanh khô hơn.

Trong khi đó, những bộ sofa bọc da từ loại tổng hợp tới da thật lại được đánh giá là vừa bền, đẹp, dễ vệ sinh, vừa có màu sắc “chiều lòng” được nhiều gia chủ dù là khó tính nhất.

Chị Thanh Trà, ở quận Hai Bà Trưng, chia sẻ, do gia đình bận rộn và có con nhỏ nên chị ưu tiên các loại vải có thể dễ dàng làm vệ sinh hay làm sạch bằng máy giặt. Đồng thời, chị Trà cũng lựa chọn sofa với phần vỏ bọc rời để có thể dễ dàng tháo ra giặt lại ngay tại nhà.

Về màu sắc, người mua có thể chọn sản phẩm theo sở thích, cũng có thể lựa chọn phù hợp tuổi của gia chủ. Song điều quan trọng nhất các chuyên gia nội thất khuyên người tiêu dùng nên chọn bộ ghế có phong cách, màu sắc hài hòa với các nội thất và phong cách tổng thể của cả phòng khách hoặc ngôi nhà, căn hộ. Nếu gia chủ lựa chọn tông màu trầm ấm cho nội thất phòng khách, nên lựa chọn các màu nâu, đỏ sẫm, vàng. Trong khi chọn phong cách cá tính, hiện đại, gia chủ có thể chọn bộ sofa có màu sắc mới lạ như nỉ nhung xanh thẫm, xanh rêu, xám; da màu vàng, kem, be…

Đi liền với vỏ bọc, chất liệu đệm bên trong của bộ sofa cũng cần được bảo đảm chất lượng tốt. Phổ biến nhất là đệm nhồi mút bọt biển hoặc bông, nhưng loại này có nhược điểm là có thể bị giãn và biến dạng theo thời gian sử dụng. Trong khi đệm nhồi lông vũ tự nhiên sẽ mang lại cảm giác thoải mái nhất, nhưng lại dễ bị xô dồn lại một chỗ nên cần phải được dàn trải lại thường xuyên. Ngoài ra, người mua cũng cần quan tâm tới chất lượng của khung ghế có được làm từ gỗ tốt hay không để bảo đảm độ vững chắc cần có; kiểm tra kỹ lưỡng kết cấu của bộ sofa để tránh mua phải sản phẩm có khung từ gỗ ván hoặc kim loại loại kém chất lượng.

Tuy đã chọn được kích thước phù hợp với phòng khách, song người mua nên ngồi thử trước khi chốt đơn. Chỉ khi ngồi thử bạn mới cảm nhận được độ sâu của mặt ghế (phổ biến là 60cm) và chiều cao của chân ghế có vừa vặn hay không, đệm và vỏ bọc có dễ chịu hay không.

Mẹo làm sạch sofa chuẩn bị đón Tết

Để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, thông thường các gia đình sẽ tự vệ sinh bộ sofa, song nhiều trường hợp bạn phải cần tới dịch vụ làm sạch sofa. Nếu bộ sofa làm từ chất liệu da, có thể hút bụi toàn bộ bề mặt và các kẽ của ghế sau đó cho vài giọt xà phòng vào khăn ẩm mềm và lau nhẹ nhàng mặt ghế.

Bước cuối cùng là lau lại bằng khăn khô, lặp lại quá trình cho tới khi sofa được làm sạch hoàn toàn. Đối với vết bẩn “cứng đầu” cần tránh dùng vật có thể gây xước sát bề mặt ghế và nên dùng chất tẩy rửa chuyên dụng để làm sạch.

Tương tự, đối với sofa làm từ chất liệu nỉ, cần sử dụng máy hút bụi để làm sạch hoàn toàn bụi bám trên bề mặt, sau đó chọn một chiếc khăn mềm thấm vào giấm trắng hoặc nước sạch, rồi lau nhẹ lên các vết bẩn. Bước cuối cùng là dùng máy sấy và tiến hành sấy khô lại toàn bộ sofa trước khi sử dụng.

Với sofa làm từ chất liệu vải bọc có thể tháo rời, trước hết tháo áo gối ra để giặt. Sau đó dùng máy hút bụi hút bụi kỹ lưỡng trên toàn bộ bề mặt và các khe của các tấm nệm tựa lưng và mặt ghế. Đem phơi các tấm nệm và dùng khăn mềm lau chùi phần khung ghế sao cho sạch bụi bẩn.

Để bộ sofa luôn sạch đẹp và bảo đảm độ bền, cứ mỗi 6 tháng, người dùng nên giặt ghế sofa một lần. Nên thường xuyên hút bụi và xử lý các vết bẩn mới bám càng sớm càng tốt. Nếu các vết bẩn đã cũ hoặc quá nghiêm trọng thì bạn nên tìm đến các dịch vụ giặt ghế sofa chuyên nghiệp để xử lý nhằm bảo đảm chất lượng của ghế sofa.

Nhân viên cửa hàng nội thất KDT, phố Văn Tiến Dũng (quận Bắc Từ Liêm) lưu ý, trong quá trình vệ sinh sofa, nên xem xét kỹ các thông số của nhà sản xuất để chọn đúng dung dịch tẩy rửa nhằm làm sạch tối đa mà vẫn duy trì được độ bền, tính thẩm mỹ của sản phẩm.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Đọc tiếp: